Hành động lấn lướt ở Biển Đông
Trong bối cảnh thế giới vẫn đang tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thì đây lại là cơ hội để Trung Quốc gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đó là việc ngày 18-4-2020, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Đây là những động thái ngang ngược của Trung Quốc nhằm quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 19-4-2020, chính quyền Trung Quốc đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông. Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, “danh xưng tiêu chuẩn” được áp dụng cho “25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông”. Ngoài ngang nhiên đặt tên cho các thực thể này, phía Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng. Đáng chú ý, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Không những vậy, các tàu của Trung Quốc cũng thường xuyên có các hành động ngăn cản và đâm các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, như sự việc ngày 2-4-2020 vừa qua, tàu cá QNg 90617 TS và 8 ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm; vụ tàu QNg 96416 TS ngày 10-6-2020 bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một ca nô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển. Trước đó trong năm 2019, Trung Quốc cũng đã đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 nhiều lần khảo sát trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trong một động thái mới nhất, từ ngày 1 đến 5-7-2020, Trung Quốc đã tiến hành tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Hành động này ngay lập tức đã gây ra những quan ngại trong dư luận quốc tế.
Các nước lên tiếng phản đối
Liên quan đến hành động tập trận của Trung Quốc quanh quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam và nhiều nước đã lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong buổi trả lời trước phóng viên ngày 2-7 khẳng định: “Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai”.
Liên quan đến thông tin nói tàu khảo sát HD4 của Trung Quốc hoạt động, đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đây, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và công ước của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới”.
Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (ngày 26-6), Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn; tuân thủ luật pháp quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các nước thành viên ASEAN đều kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ quy định quốc tế, đặc biệt Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm khôi phục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Trong khi đó, vào chiều ngày 2-7 (sáng 3-7 theo giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về quyết định của Trung Quốc tiến hành tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ ngày 1 đến 5-7. Tuyên bố nêu rõ khu vực nơi cuộc tập trận diễn ra bao gồm cả các vùng biển và lãnh thổ có tranh chấp. Việc tiến hành tập trận tại vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông gây trở ngại đối với các nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định. Các hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông. Những hành động như vậy cũng vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tránh những hành động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định khu vực.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc tập trận là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và gây tổn hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động ấy đi ngược lại cam kết của Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông, cũng như trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền của họ, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và các quy tắc được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với mong muốn Trung Quốc giảm hành động quân sự hóa và ép buộc các nước láng giềng ở Biển Đông.
Ngày 2-7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng đã lên tiếng cảnh báo việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại Biển Đông có thể gây căng thẳng trong khu vực và ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng. Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thủ đô Manila của Philippines, Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh: “Đây là hoạt động hết sức quan ngại và chúng tôi đang theo dõi với sự cảnh giác”. Theo ông, việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo với tất cả những bên liên quan…
Theo TTXVN